Giỏ hàng
  • Sản phẩm đã xem
    0₫ 0₫

NHỮNG CON SỐ SINH TỒN TRONG DOANH NGHIỆP

Vẫn bán hàng, vẫn thu tiền nhưng bạn vẫn lỗ. Tại sao vậy? Bạn có thể theo dõi sát sao doanh số hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng và thấy con số đó đang tăng lên. Nhưng đừng nhầm lẫn! Doanh số khác với lợi nhuận.

Dưới đây là một số công thức để bạn có thể nắm chắc tình hình tài chính hiện tại của doanh nghiệp mình.

Số 45

Mỗi sản phẩm hay dịch vụ đem bán phải mang lại phần chênh ít nhất 45% so với chi phí dùng để sản xuất hoặc phân phối. Doanh số hàng tháng được ghi nhận được gọi là doanh thu thuần. Giá vốn hàng bán (GVHB) là các chi phí trực tiếp để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh có thể bày bán. Nó bao gồm chi phí nhân công trực tiếp và nguyên vật liệu trực tiếp.

Nếu đã biết GVHB nhưng chưa có giá bán thì hãy nhớ rằng doanh nghiệp phải bán được mặt hàng đó với giá bằng GVHB cộng với phần chênh 45%, đó mới là mức giá thỏa đáng. Nếu thị trường không chấp nhận mức giá như vậy, hãy xem xét loại bỏ sản phẩm đó ra khỏi danh mục hoặc thay đổi cấu trúc chi phí của nó.

Số 30

Tỷ suất lợi nhuận gộp rơi xuống dưới 30%, doanh nghiệp dễ nhanh chóng bị phá sản. Sau khi trừ GVBH ra khỏi doanh thu thuần, chúng ta còn lại lợi nhuận gộp, hay lãi gộp, chứ chưa phải lợi nhuận ròng, bởi lợi nhuận gộp vẫn chưa hạch toán các chi phí để vận hành doanh nghiệp.

Mặc dù mức lợi nhuận gộp tối thiểu có thể chấp nhận được của mỗi ngành hàng sẽ khác nhau một chút, nhưng tựu chung lại phải bằng ít nhất 30% doanh thu thuần để giúp bạn có thể trang trải các chi phí cố định và biến đổi. Nếu thấp hơn, công ty có thể gặp rắc rối.

Số 20

Tỷ số chi phí cố định và chi phí biến đổi cần duy trì là 20%. Chi phí cố định không thay đổi theo khối lượng tiêu thụ. Cho dù bán được ít hay nhiều thì bạn vẫn phải trả những chi phí này. Ví dụ: tiền thuê văn phòng, tiền bảo hiểm, lãi vay...

Chi phí biến đổi thường tăng lên khi doanh nghiệp bán cho nhiều khách hàng hơn, tuy nhiên khác với GVBH, nó là chi phí gián tiếp. Ví dụ: tiền hoa hồng, chi phí marketing.

Nhớ giữ hai loại chi phí này ở mức tối thiểu và không vượt quá 20% doanh thu thuần mỗi tháng để đảm bảo chúng không vượt quá tầm kiểm soát của bạn.

Số 10

Lợi nhuận trước thuế cần chiếm ít nhất 10% doanh thu thuần. Lợi nhuận trước thuế là con số có được sau khi mọi chi phí trừ thuế đã được trừ ra khởi doanh thu thuần. Nếu lợi nhuận trước thuế chiếm ít nhất 10% doanh thu thuần thì lợi nhuận ròng thường sẽ nằm trong ngưỡng an toàn.

Số 5

Lợi nhuận ròng phải đạt mức tối thiểu 5% doanh thu thuần thì doanh nghiệp mới có thể sinh lời. Thuế được chi trả từ lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận ròng là số tiền cuối cùng sau khi trừ bỏ thuế khỏi lợi nhuận trước thuế. Một quy tắc chung là quản lý lợi nhuận ròng sao cho nó đạt mức tối thiểu là 5% doanh thu thuần. Điều đó có nghĩa là với mỗi đồng doanh thu, doanh nghiệp thu về ít nhất 5 xu lợi nhuận ròng, hay lợi nhuận sau cùng. Mang về con số lợi nhuận ròng dương đều đặn mỗi quý là chìa khóa để doanh nghiệp của bạn thành công lâu dài.

Ghi nhớ được các con số này, bạn có thể nắm chắc được tình hình doanh số hiện tại và dự đoán tình hình tài chính tương lai để có thể hoạch định kế hoạch phát triển cho doanh nghiệp của mình. 

Các công thức trên được lược trích từ cuốn sách “TÀI CHÍNH DÀNH CHO NGƯỜI SỢ SỐ - Thực sự hiểu về tài chính doanh nghiệp trong giai đoạn sinh tồn”. Cuốn sách sẽ dẹp tan nỗi sợ hãi của bạn mãi mãi và khiến bạn nói về tài chính doanh nghiệp như một điều gì đó nhẹ nhàng và vui thú.

Cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu ý nghĩa của các con số trong bảng báo cáo tài chính từ đó nhận ra được chính xác tình hình kinh doanh và đưa ra các quyết định quản lý, điều chỉnh quan trọng đưa doanh nghiệp cải thiện khả năng sinh lời.

Danh mục tin tức

Từ khóa