Giỏ hàng
  • Sản phẩm đã xem
    0₫ 0₫

Hùng Lâm - Khởi nghiệp là đi đến tận cùng những nỗi sợ hãi

Ở tuổi 20, chúng ta hầu như quen với việc có người vạch sẵn cho mình đường đi nước bước: học trường nào, ngành nào, ra trường làm công ty nào… Chính điều đó đã thui chột khả năng tự đưa ra những quyết định lớn trong cuộc sống – những quyết định giúp ta đến gần hơn với cuộc đời mà ta mong muốn. Ai cũng khao khát sống một cuộc sống có ý nghĩa của riêng mình. Thế nhưng vào giây phút phải đưa ra những quyết định có khả năng thay đổi cuộc đời, liệu ta có đủ can đảm để chọn lấy điều mà mình mong muốn?

Cậu sinh viên Đại học Thủy lợi bị mẹ mắng vì bỏ việc

Tôi theo học 5 năm trường Đại học Thủy lợi Hà Nội dựa vào định hướng của gia đình, hoàn toàn không liên quan gì truyền thông. Thời điểm tôi bắt đầu học cấp 3 là tiếp xúc internet, nhưng rất sơ khởi, không biết sức mạnh của bản thân nằm ở đâu, sở trường, đam mê của mình là gì để tự định hướng. Sau 5 năm học đại học, tôi vào cơ quan nhà nước làm (về khí tượng thủy văn) và bỏ cuộc chỉ trong 1 buổi sáng. Khi về, tôi bị mẹ chửi cho một trận, vì bà đã muối mặt xin cho tôi công việc đó. Nhưng thật sự, có những thứ tôi cảm thấy không hợp là không hợp. Đó là năm 2006, 2007, tôi chỉ mới 22, 23 tuổi, rất trẻ. Tôi có máu liều, chẳng sợ ai hết, vì bố mẹ có điều kiện. Từ bé tôi đã không có áp lực về mặt kinh tế, nên tôi cũng chẳng lo mình chết đói. Có bệ phóng đằng sau nên tôi cứ liều. Khi bỏ việc, tôi ở nhà trông quán cà phê cho bố mẹ. Tôi rất mông lung, chẳng biết mình đang ở đâu, sống như thế nào.



Nghĩ lại thì đúng là nghiệp chọn người chứ không phải người chọn nghiệp. Tôi có 1 người anh họ làm tại Kenh14, anh nói về một dự án âm nhạc và hỏi tôi liệu có muốn thử sức không? Từ bé, tôi đã có năng khiếu về âm nhạc, tôi có thể nghe 1 bài hát và nhớ ngay tên ca sĩ là ai, nhạc sĩ nào sáng tác, dòng nhạc là gì. Nên khi nghe anh đề xuất, tôi lập tức đồng ý. Khi vào Kenh14, tôi làm cộng tác viên mảng âm nhạc. Lúc đó, tôi mới biết rằng: “À, đây là thế giới dành cho mình”. Nhờ môi trường phù hợp, cộng thêm sự nhanh nhẹn, chăm chỉ, sáng tạo, có sức phấn đấu, và cả hợp thời nữa, lộ trình thăng tiến của tôi ở Kenh14 lên rất nhanh.


Từ bỏ vị trí cao tại các công ty để khởi nghiệp

Tháng 12/2015, tôi nghỉ việc ở Kenh14 khi đang giữ vị trí Phó giám đốc. Thời điểm tôi nghỉ Kenh14 là do thách thức từ phía công việc dành cho bản thân không còn nhiều. Tôi cho rằng khả năng của mình có thể phát triển hơn thế nên quyết định chuyển sang Saostar để đón nhận môi trường mới, thử thách mới, mức lương mới cao hơn. Ở Saostar, tôi được tiếp cận với cả một bầu trời mới về marketing, về hệ thống social, học được rất nhiều kỹ năng. Tôi là người thích làm những thứ mới, sáng tạo đi tiên phong dù cái tiên phong có thể đúng hoặc sai. Sau này, khi tôi và công ty không còn chung tầm nhìn về phát triển digital, tôi xin nghỉ việc.

Phần lớn chúng ta đều phải trải qua 3 giai đoạn khủng hoảng: tuổi 25, tuổi 35 và đâu đó tuổi 45. Khủng hoảng tuổi 25 thì tôi trải qua rồi. Khủng hoảng tuổi 35 rõ nét nhất khi tôi nghỉ Saostar, bởi nhìn lên chả bằng ai mà nhìn xuống chả ai bằng mình. Làm sao có thể tìm 1 đơn vị nào khác chi trả cho mình khoản thu nhập và được ngồi ở vị trí tương đương Saostar? Gần như không có. Tôi cũng từng vào Eva làm, nhưng sau 1 tháng thì nghỉ vì không phù hợp với tư duy của công ty. Lúc này, tôi quyết định mở công ty riêng.

Và thật sự là khủng hoảng, mông lung, bao nhiêu năm tôi làm báo kiếm được số tiền đủ lớn, nhưng giờ mở công ty tôi không biết gì về tài chính. Việc sở hữu công ty riêng có quá nhiều câu hỏi phải trả lời. Rồi thì tôi còn phải nuôi con, đang ăn cơm nhàn hạ sung sướng rồi giờ phải bỗng nhiên phải chịu đau khổ, đâu đó nó có những nỗi sợ hãi.

Rất may mắn là tôi có những người anh em đến với mình - mỗi người lại là một mảnh ghép mà cá nhân tôi còn thiếu. Có người mạnh về quản trị và sản phẩm, có người mạnh về công nghệ, có người mạnh mảng tài chính, tất cả cùng ngồi lại với nhau thì ra công ty. Nhưng nhìn lại, tại sao tôi lại có những con người đấy? Và khi mở công ty lại có những hợp đồng ồ ạt đến với mình? Tất cả hoàn toàn do những mối quan hệ tôi đã tích lũy trong suốt 12 năm. Tâm lý của tôi luôn là làm những thứ tốt cho giới trẻ, tốt cho cộng đồng. Nói chuyện với bất kỳ ai, lĩnh vực nào, đẳng cấp nào, tôi cũng đều móc hết ruột gan ra chia sẻ. Sau một thời gian mở công ty thì các bạn đến bảo là làm với tôi, vì đã làm với tôi việc này việc kia rồi, và họ có sự tin tưởng.


Khởi nghiệp là đi đến tận cùng những nỗi sợ hãi

Khi khởi nghiệp tôi sợ hãi nhiều thứ. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta không thể chống được những nỗi sợ hãi và hoang mang đâu. Thay vì chống cự, hãy cứ để nỗi sợ đó đi đến tận cùng, sợ thì sợ đến đỉnh điểm, vạch ra tất cả các rủi ro có thể gặp phải, rồi tìm câu giải dần dần cho chúng. Sợ xong rồi phải làm, đừng chỉ ngồi sợ mà chẳng làm gì hết. Tôi sợ thì tôi liều mở công ty, có bao nhiêu vốn liếng bỏ vào đó, cứ làm dần, làm dần, thời gian mình làm đã khiến mình không còn thời gian sợ nữa rồi. Thật sự là như thế. Vậy nên, một là bạn hãy lường trước tất cả các rủi ro có thể xảy ra, hai là tiến hành làm từng bước, rồi mọi thứ sẽ dần được lấp đầy.

Đến thời điểm này thậm chí tôi vẫn còn sợ. Vì BnT không sở hữu sản phẩm mà bán uy tín cá nhân và sản phẩm dựa trên mối quan hệ. Hiện tại vẫn ổn nhưng tồn tại hay không thì ai dám chắc? Nhưng chính vì nỗi sợ như thế, chúng tôi phải chăm chút làm tốt từng hợp đồng đến với mình, để làm sao khách hàng hài lòng và quay lại. Có lẽ đến khi nào sở hữu được sản phẩm buộc người ta phải mua của mình thì nỗi sợ mới vơi bớt. Chừng nào còn làm thuê trên từng hợp đồng, thì luôn tồn tại nỗi sợ, nhưng chúng tôi khống chế được nỗi sợ đấy.


Học cách làm một người lãnh đạo phù hợp với thế hệ trẻ

Năm nay tôi 35 tuổi, một ngày đẹp trời, bỗng có một em sinh năm 1998 vào công ty, gọi tôi là chú, tôi cũng hơi bất ngờ vì chưa bao giờ nghĩ về câu chuyện này. Tôi nhận ra do có khoảng cách của thế hệ, dù mình có đổi xử với nhân viên như một người anh, đôi khi ở góc độ nhân viên nhìn vào, mình vẫn là một ông chú, ông sếp khó tính. Tôi rất hiểu lứa nhân viên của mình chủ yếu thuộc Gen Z, nên phải dùng tư duy dẫn dắt, dẫn đường, chứ không thể áp đặt.

Ngày xưa tôi từng có thắc mắc rất lâu mà không tìm ra lời giải, giờ thì chấp nhận sống chung với nó. Thế hệ tôi ngày xưa hy sinh vì công việc, ngày làm việc 8 tiếng là hiệu quả cả 8 tiếng. Các bạn trẻ bây giờ ngày làm 8 tiếng chỉ hiệu quả 4 tiếng, thời gian còn lại dành cho Facebook, Instagram... À thì ra thế hệ, thời đại nó thế, nên tôi phải sống chung với nó. Tôi sẽ dẫn dắt dần dần, thời điểm nào các bạn nên tập trung thì tập trung làm việc. Tôi hiểu các bạn là ai, cần gì và muốn gì để đáp ứng, chứ không thể mang cái tư duy trong suốt 13 năm rồi bắt các bạn phải làm thế này thế kia.


Và lời khuyên dành cho người trẻ muốn khởi nghiệp

Đây là những đúc kết sau bao nhiêu năm, tôi thấy nó đúng với con người mình.

Đầu tiên, bạn cần có ý thức và cố gắng khám phá bản thân mình bằng thật nhiều cách. Nếu bạn cảm thấy thích cái gì, sở trường cái gì, hãy học hỏi, qua YouTube, qua mạng xã hội. Đừng nói đến câu chuyện đam mê. Bạn thích ca hát nhưng hát chán thì muôn đời vẫn chán. Bạn thích diễn xuất nhưng không có khả năng biểu cảm khuôn mặt thì mãi mãi thất bại. Hãy biết sở trường của mình là gì, thích cái gì, sau đó đối chiếu sang đam mê xem có phù hợp không. Nếu có thì tuyệt vời, bây giờ bắt đầu dấn thân vào, xây dựng các kỹ năng trong lĩnh vực đấy, tìm các mối quan hệ để học hỏi. Khi quan hệ đủ lớn thì bắt đầu tính khởi nghiệp được. Nếu bạn cứ cắm đầu cắm cổ mở công ty rồi nghĩ rằng chạy vài ba cái post quảng cáo là chết. Phải xem bản thân mình có năng khiếu kinh doanh không? Học cách phân bổ marketing, cách xây dựng nội dung cho tất cả mọi thứ. Dao kiếm đủ rồi hẵng bắt đầu khởi nghiệp, khi đó tỷ lệ thành công sẽ cao hơn những người không chuẩn bị, chứ không thể nói là thành công tuyệt đối.

Danh mục tin tức

Từ khóa